Các biện pháp phòng tránh các bệnh theo mùa

Ở nước ta, mùa hè thời tiết nóng ẩm và mưa lũ thường diễn ra vào những tháng mùa hè, đặc biệt là những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Trong những đợt mưa lũ, có rất nhiều vi sinh vật từ bùn, đất, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.  Rác thải và xác động vật chết ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người. Vì vậy, thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển, dễ lây lan như: thủy đậu, quai bị, rubella, cúm A, sởi, tay chân miệng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh tả, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu,…

 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh dịch truyền nhiễm, nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Trong khi đó, công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh truyền nhiễm gặp nhiều khó khăn do điều kiện vệ sinh môi trường, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao.

Nhận thức rõ nguy cơ đối với sức khỏe của học sinh, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động lên kế hoạch ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh và triển khai tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và học sinh các biện pháp phòng ngừa như:

+ Quan tâm sát sao, chủ động kiểm tra và đưa con đi tiêm vắc xin ngừa một số bệnh giao mùa như: cúm, sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, tả…

+ Thường xuyên nhắc các con rửa tay trước và sau khi ăn, dưới vòi nước sạch và bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.

+ Thường xuyên mở cửa để thông thoáng nhà cửa, phòng ốc. Thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, tạo không gian nơi sinh sống thoáng đãng. Chú trọng công tác vệ sinh sạch sẽ các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày tại nơi ở như: sàn nhà, bàn ghế, tủ kê, tay vịn cầu thang… bằng dung dịch tẩy rửa thông thường để ngăn chặn các nguồn bệnh từ môi trường bên ngoài.

+ Ăn chín, uống sôi, chọn mua thực phẩm tươi sạch, chế biến và bảo quản thức ăn cẩn thận. Tuyệt đối không để học sinh ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không ăn tiết canh, gỏi cá… hay ăn bốc, mút, ngậm đồ vật. Không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, cốc chén với người khác…

|+ Chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng), dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt hoặc lật úp dụng cụ không chứa nước và tích cực phối hợp trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài các giải pháp trường THCS Ngoại ngữ thực hiện để góp phần bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh theo mùa trên, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh,… cần chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân của mình. Bởi chỉ một người lơ là, chủ quan có thể gây nguy cơ dịch bệnh trong trường học. Đặc biệt là đối với học sinh tiểu học, nhận thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch của các em còn hạn chế.

UMS Media tổng hợp