Hoàng Thành Thăng Long – Hành trình di sản

Sáng thứ Sáu, ngày 11 tháng 12 năm 2020, học sinh khối 7 Trường THCS Ngoại ngữ đã có chuyến tham quan, học tập và trải nghiệm tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Chuyến đi đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ trong lòng thầy và trò UMS. Năm 2020 – năm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, cũng là 10 năm kỷ niệm ngày Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới nên hành trình hôm nay càng trở nên thiêng liêng và đáng tự hào.

Các lớp chụp ảnh dưới cổng Hoàng Thành

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh (Đông Đô) – Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam Đô Hộ Phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Xem phim tư liệu giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long là hoạt động đầu tiên của các bạn nhỏ khi đến với di tích đặc biệt này. Phim đã giới thiệu về Lịch sử hình thành Hoàng Thành Thăng Long, các vị vua đã đóng đô tại đây và xem một trận chiến chống quân Tống của Lý Thường Kiệt. Đó là những thước phim khiến mỗi người xem như được sống cùng và tận mắt chứng kiến những trang sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta… Từng hình ảnh, hiện vật xuất hiện trong thước phim tư liệu không chỉ phản ánh về quy mô kiến trúc của Hoàng Thành, mà còn ấn chứa biết bao giá trị lịch sử, nhân văn, phản ánh cả tâm hồn và khí chất Việt Nam, hồn thiêng dân tộc khiến các bạn nhỏ tập trung như muốn chắt chiu từng kiến thức lịch sử.

Chăm chú dõi theo từng sự kiện lịch sử trong clip

Sau khi được giới thiệu đầy đủ về di tích, đoàn đến khu vực sân Điện kính Thiên tập trung tham dự nghi lễ dâng hương và dâng văn tưởng nhớ các vị vua sáng tôi hiền, và nghe giới thiệu về Điện kính Thiên. Trong tiết trời đầu đông, trong không gian lịch sử đặc biệt giữa lòng thủ đô, chất giọng hùng vang của người đọc tế đã khiến không khí buổi lễ dâng hương trở nên linh thiêng, thành kính và trang trọng khiến mỗi học sinh thêm tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến, và càng tưởng nhớ công ơn của những bậc tiền nhân.

Cô Nguyễn Huyền Trang – Phó Hiệu trưởng, cùng các thầy cô và học sinh thành kính dâng hương trước anh linh của những vị vua sáng, tôi hiền

Các bạn học sinh dâng nhang với lòng thành kính

Sau nghi lễ dâng hương, thầy và trò Trường THCS Ngoại ngữ tiếp tục hành trình đến với không gian của phòng trưng bày Thi Đình. Đây là bậc thi cao nhất để chọn ra những người hiền tài bổ nhiệm các chức quan trong triều; là vinh quang tột đỉnh của của kẻ sĩ trên con đường học vấn, là kết quả của hàng chục năm đèn sách khổ luyện. Những hiện vật của phòng trưng bày đã tái hiện rõ nét cảnh “lều chõng đi thi” của các sĩ tử khi xưa, đặc biệt trong triều Lê, khiến các bạn nhỏ cực kỳ thích thú. Từ nay, các bạn đã hiểu, những vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa – ba danh hiệu của người đứng đầu cuộc thi đình – chỉ có thể “võng lọng vinh quy” khi được thể hiện hết những suy nghĩ, trăn trở của của kẻ sĩ trước vận mệnh, thời cuộc của quốc gia, đại sự, nhằm giúp vua “trị quốc, bình thiên hạ”, yên lòng dân chúng.

Phòng trưng bày thi Đình thời Lê

Những “ông quan” nhỏ tuổi

Nối tiếp hành trình lịch sử, đến gần hơn với lịch sử hiện đại, thầy và trò UMS đã ghé thăm khu nhà D67 – khu tổng hành dinh, nơi Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 và Cuộc tấn công năm 1972. Đó là 12 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 ta đánh thắng đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô lịch sử, đặc biệt cuộc Tổng tiến công năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…đưa nước ta thống nhất toàn lãnh thổ. Các học sinh đã tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế ngồi, điện thoại làm việc, thậm chí mỗi chiếc cốc uống trà, đôi dép cao su… đều gợi nhớ về một thời oanh liệt, về những năm tháng khó khăn, cam go và cả những giây phút hào hùng của dân tộc trong niềm vui chiến thắng. Khi thăm quan phòng họp của Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương với tên nhưng nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, …được đặt tại vị trí ngồi, nhiều bạn đã tưởng tượng đến khung cảnh của những cuộc họp có tính chất lịch sử.

Những hiện vật lịch sử được lưu giữ nguyên vẹn tại hầm nhà D67

Bạn Nguyễn Thùy Minh – học sinh lớp 7A2 ấn tượng sâu sắc với khu đường hầm trong nhà D67: “Con không nghĩ là vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà quân dân ta lại có thể thiết kế một căn hầm hiện đại với hệ thống thông khí tiên tiến như thế. Khi vào hầm con cảm thấy rất thoải mái, không hề khó thở. Ngoài ra, hầm còn được thiết kế rất đa năng, vừa là nơi làm việc của cán bộ cấp cao, vừa có thể chống lại sự phá hủy của nhiều loại vũ khí, thậm chí là bom”. 

Tiếp nối hành trình di sản, các bạn nhỏ được tham gia trải nghiệm làm đèn hoa đăng và làm quạt giấy – những đồ dùng thường ngày trong cuộc sống sinh hoạt và văn hóa tinh thần của người Việt xưa. Ai nấy đều háo hức khi lần đầu tiên làm quạt giấy, lần đầu tiền làm đèn hoa đăng viết lên những ước mơ nho nhỏ của mình để dòng nước đưa những ước mơ đó đi xa…

Lần đầu tiên làm quạt giấy

Viết  lên đèn ước mơ

Bạn Nguyễn Mạnh Tùng – học sinh lớp 7A4 chia sẻ: “Con thích nhất trải nghiệm làm quạt giấy và đèn hoa đăng. Khi làm đèn hoa đăng, con đã viết điều ước mong của mình, trong đó con đặc biệt mong một người bạn của mình vừa bị tai nạn sớm trở lại trường học”.

Nguyễn Mạnh Tùng khoe sản phẩm trải nghiệm cùng các bạn nam

Các bạn nữ cũng háo hức khoe những chiếc đèn lần đầu tiên tự làm

Điểm đến cuối cùng trong hành trình di sản của các UMSer là Khu khai quật khảo cổ Hoàng Thành thăng Long 18 Hoàng Diệu. Những phế tích còn lại dưới nền đất khu khảo cổ là minh chứng rõ ràng cho sự hoành tráng của kinh thành Thăng Long từ thời Lý – Trần. Tại đây, các bạn đã cùng nhau thả đèn hoa đăng và lấy nước giếng Hoàng Cung để mong mang lại may mắn cho bản thân, gia đình và bè bạn.

Thả đèn đem mơ ước đi xa

Lấy nước giếng Hoàng Cung

Mong bình an, may mắn

Bạn đã có cho mình nước giếng linh thiêng?

Thầy và trò khối 7 Trường THCS Ngoại ngữ khép lại hành trình tìm về với lịch sử thủ đô năm văn hiến trong nhiều cảm xúc. Từng viên gạch, từng kỉ vật đều gợi nhớ một thời quá khứ oanh liệt của cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mỗi cá nhân hẳn sẽ luôn nhớ rằng, thấu hiểu được lịch sử của dân tộc sẽ giúp bản thân mỗi chúng ta biết quý trọng đời sống hiện tại và phấn đấu cho mai sau!

Hy vọng rằng, mỗi bạn nhỏ đã được trang bị và củng cố thêm kiến thức lịch sử về Thăng Long – Hà Nội, được sống cùng dân gian trong những chiếc quạt nan, mong cho những ước mơ bên mỗi cánh hoa đăng sẽ trở thành sự thật, mong an yên sẽ theo về mỗi nhà trong nước giếng vua ban…

Hỡi anh linh các bậc vua sáng, tôi hiền! Chúng con luôn tự hào là học trò của mảnh đất văn hiến ngàn năm, nguyện sẽ tiếp bước cha anh làm rạng danh đất Kinh Kỳ!

Bích Đào – UMS Media