Phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho học sinh năm học 2019- 2020

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

– Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường về sự thay đổi hành vi, kỹ năng sống phù hợp và hạn chế những tai nạn thương tích, đuối nước có thể xảy ra trong kỳ nghỉ hè.

– Bồi dưỡng và cung cấp những kỹ năng cần thiết để xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người.

NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH VÀ ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM, HỌC SINH

1. Truyền thông nâng cao nhận thức

a. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, văn bản của các bộ, ngành trung ương, của tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em tại nhà trường, gia đình và cộng đồng.

b. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em: Cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại trường học, tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích cần gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em với việc tuyên truyền các Chương trình quốc gia của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

c. Tuyên truyền cho giáo viên, học sinh kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh dưới hình thức: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thông qua môn Giáo dục lối sống,sinh hoạt tập thể…

d. Tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh; trách nhiệm của phụ huynh học sinh trong việc tổ chức, tạo điều kiện cho con em học bơi để biết bơi thông qua hoạt động chuyên đề, các cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, cuối học kỳ I và cuối các năm học.

e. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em phù hợp với lứa tuổi, nhà trường, và địa bàn sinh sống của trẻ em, học sinh.

2. Nội dung hoạt động phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.

a. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường học “An toàn phòng chống tai nạn thương tích” (ATPCTNTT): Phải xác định cho mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh nhà trường nhận thức đầy đủ trường học ATPCTNTT là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh được phòng, chống và giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn. Quá trình xây dựng trường học ATPCTNTT phải có sự tham gia của tất cả học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của địa phương. Các nguyên nhân thương tích thường gặp đối với học sinh là: Tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau và bạo lực học đường… Công tác xây dựng trường học ATPCTNTT cần tập trung vào các nội dung sau:

– Xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích của nhà trường với các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích như: Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng trường học ATPCTNTT ; cải tạo môi trường học tập và sinh hoạt; khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định; có quy định về phát hiện và xử lý tai nạn, thương tích ở trường học; có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích.

– Thực hiện đánh giá quá trình triển khai và kết quả các hoạt động xây dựng trường học ATPCTNTT.

b) Những nội dung cụ thể và thiết thực cần triển khai trong công tác xây dựng trường học ATPCTNTT:

– Phòng chống ngã cho học sinh cần tập trung:

+ Đảm bảo đường đi, sân trường bằng phẳng, không trơn trượt, mấp mô;

+ Các cây cao, dễ gẫy đổ ở sân trường được chặt tỉa cành trước mùa mưa bão;

+ Ban công và cầu thang nhất thiết phải có tay vịn, lan can chắc chắn và đảm bảo độ cao an toàn;

+Bàn ghế vững chắc, mặt bàn nhẵn, góc bàn không nhọn, đảm bảo khoảng cách theo quy định.

 – Phòng chống tai nạn giao thông cho học sinh cần tập trung:

+ Học sinh được học, được phổ biến, thảo luận Luật giao thông; các qui định của các cấp về đảm bảo an toàn giao thông; học sinh, cha mẹ học sinh cam kết không vi phạm về an toàn giao thông; có qui chế xử lý cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm qui định về an toàn giao thông.

+ Xung quanh trường có hệ thống tường rào, cổng chắc chắn và có người quản lý để học sinh không chơi, đùa ngoài đường.

– Phòng chống đánh nhau, bạo lực trong trường học cần tập trung:

+ Học sinh không được mang các vật sắc nhọn, dao, súng cao su, chất nổ, chất độc, hại và các hung khí đến trường.

+Tăng cường giáo dục, quản lý học sinh, kiên quyết xử lý triệt để các mâu thuẫn trong học sinh để không có các vụ đánh nhau trong trường học gây tai nạn thương tích.

– Phòng chống bỏng, điện giật, cháy nổ cần tập trung:

+ Có nội quy phòng, chống điện giật, cháy nổ.

+ Các bảng điện phải có nắp đậy và để cao trên 1,6 m so với nền nhà, phòng học

+ Hệ thống điện trong lớp học, phòng học bộ môn, thư viện… phải đảm bảo quy định về an toàn điện.

+ Có trang, thiết bị phòng, chữa cháy đặt ở nơi thuận tiện cho việc sử dụng.

– Phòng chống ngộ độc cần tập trung:

+ Trong khuôn viên của nhà trường không trồng những cây có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại.

– Phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh cần tập trung:

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh về phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh thông qua tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, nói chuyện chuyên đề, tiểu phẩm, qua các cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, cuối học kỳ I và cuối năm học. Nâng cao vai trò quan trọng và trách nhiệm của cha mẹ trong việc dạy con biết bơi; tăng cường quản lý con, em. Kiên quyết không cho con, em tắm biển, sông, hồ, ao khi không có người lớn kèm, không tắm tại nơi có cảnh báo nguy hiểm.

+ Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy bơi cho trẻ em, học sinh; giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên có chuyên môn được tham gia dạy bơi hoặc tự tổ chức dạy bơi cho trẻ em, học sinh vào dịp hè.

+ Cùng với việc dạy cho trẻ kỹ năng bơi, giáo viên cần cung cấp cho trẻ em, học sinh kỹ năng cứu hộ và kiến thức về an toàn dưới nước.

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

– Phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh quán triệt tới cha mẹ học sinh các lớp trong trường về kiến thức phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh. Xác định trách nhiệm quan trọng của phụ huynh học sinh trong việc cho con, em tham gia học bơi tại các lớp dạy bơi; chủ động dạy bơi cho con em đối với những phụ huynh có khả năng dạy bơi; quản lý chặt chẽ con em, kiên quyết không để con em tự học bơi, tự tắm ao, hồ, sông, suối, tắm biển không có người lớn kèm và những nơi có cảnh báo không an toàn.

– Sử dụng đội ngũ giáo viên đã tham gia các lớp tập huấn bơi , giáo viên thể dụcvào việc dạy bơi cho học sinh tại địa phương, nhà trường .- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên trong trường học tổ chức dạy bơi, hoặc tham gia dạy bơi cho trẻ em, học sinh trong các kỳ nghỉ hè.

 – Thực hiện việc báo cáo định kỳ theo năm học và báo cáo đột xuất (khi có tỉnh huống bất thường) về Phòng Giáo dục và Đào tạo về kết quả tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Trên đây là Kế hoạch tăng cường các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh trường THCS Ngoại ngữ năm học 2019 – 2020, yêu cầu cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện tốt công tác tuyên tuyền tới học sinh, nghiêm túc triển khai thực hiện, trong quá trình triển khai có gì vướng mắc kịp thời phản ảnh về Ban giám hiệu để xem xét giải quyết./.

TỔNG PHỤ TRÁCH