“Về làng” – hành trình về với dân gian của học sinh UMS

Hôm nay, ngày 22 tháng 10 năm 2020, học sinh Trường THCS Ngoại ngữ đã có hành trình trải nghiệm bổ ích và lý thú tại Khu du lịch sinh thái Long Việt. Với tên gọi “Về làng”học sinh khối 6 và khối 7 đã cùng nhau có những hoạt động học tập đáng nhớ liên quan đến môn Ngữ văn, Lịch sử và Mỹ thuật.

Được chuẩn bị từ hơn 1 tháng, hành trình trải nghiệm hôm nay diễn ra trong một ngày để ghi lại thành quả sự chuẩn bị công phu của các bạn nhỏ UMS. Sau những tháng các hoạt động trải nghiệm ngoài trường bị giới hạn do ảnh hưởng của dịch COVID_19, thầy và trò trường THCS Ngoại ngữ lại càng háo hức đón chờ hoạt động này.

Trên sân khấu ngoài trời giản dị mà gần gũi, các học trò UMS hóa thân thành các nhân vật khác nhau cùng chương trình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học dân gian”. Trước đó, học sinh các lớp được phân công chuẩn bị các tác phẩm kịch dựa trên ý tưởng là chủ đề văn học dân gian nằm trong chương trình Ngữ Văn 6 và 7. Điều đặc biệt hơn, đó không là sản phẩm riêng lẻ từng lớp mà học sinh mỗi hai lớp cần kết hợp để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Nắm bắt yêu cầu, các con học sinh UMS đã cố gắng luyện tập rất chăm chỉ để có được những màn biểu diễn ý nghĩa, thú vị và hấp dẫn tại sân khấu Long Việt. Mỗi vở kịch là một sản phẩm thành công không chỉ bởi ý tưởng hay, sự tập luyện công phu mà còn là bởi sự kết hợp rất nhuần nhuyễn, khéo léo giữa học sinh các lớp. Đây là một trong những điều được đánh giá cao cho sản phẩm kịch lần này.

Học sinh ngồi tập trung xem diễn kịch trước sân Tâm Long

Kịch Tấm cám của học sinh lớp 6A1 và 6A2

Kịch tái hiện sức sống của ca dao, tục ngữ trong đời sống của các bạn học sinh lớp 7A2 và 7A3.

Buổi chiều, các bạn tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Long Việt với lịch trình: tham quan nhà Tổ Long – nhà Tâm Long – nhà Quan võ – nhà Địa chủ và cuối cùng là Chợ quê. Cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô và đội ngũ hướng dẫn viên, trong thời gian ngắn, các bạn học sinh có cơ hội được tìm hiểu về những không gian sinh hoạt, không gian văn hóa đậm chất xưa gắn liền với phong tục tập quán truyền thống của người dân Đồng bằng Bắc bộ. Ngoài việc thăm quan mở rộng kiến thức, ở mỗi địa điểm các trò chơi dân gian đều được bố trí sẵn để các bạn nhỏ có cơ hội vui chơi, giải trí và tiếp cận nhiều hơn với văn hóa dân gian từ những điều nhỏ nhất.

Sân nhà quan Võ chan hòa nắng đẹp chào đón các UMSers

Học sinh trải nghiệm viết chữ thư pháp cùng thầy Đồ

và vui vẻ cùng nhau trò chơi Ô ăn quan trước cửa nhà Tâm Long

Học sinh được tham quan làng nghề mây tre đan

Bạn nào cũng háo hức tự tạo sản phẩm cho mình

Với mục tiêu “học mà chơi, chơi mà học” của ban tổ chức, bên cạnh hoạt động tham quan, trải nghiệm, học sinh còn được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ học tập thông qua phiếu trải nghiệm. Trong phiếu, học sinh có nhiệm vụ ghi lại lịch trình và ghi chú cho mỗi địa điểm, hoạt động các con tham quan, trải nghiệm, nhấn mạnh những đặc trưng về kiến trúc và nét văn hóa đặc trưng của mỗi ngôi nhà truyền thống. Đây cũng là cơ sở để các thầy cô có thể đánh giá kết quả tham quan trải nghiệm của học trò.

Các bạn nhỏ chăm chú lắng nghe và ghi chép trên mỗi hành trình

Sau những ngày mưa nặng hạt, hành trình tham quan – trải nghiệm – học tập của các bạn nhỏ ngày hôm nay đã được đón những ánh nắng chan hòa trong một không gian văn hóa – nghệ thuật đậm chất quê. Các bạn đã thực sự “cháy” cùng các tác phẩm văn học dân gian, hòa mình vào kiến trúc của các ngôi nhà truyền thống và vui vẻ bên nhau trong những sinh hoạt, trò chơi tập thể…. Chắc chắn, sau chuyến đi, mỗi bạn đã có thêm những kiến thức thú vị về văn hóa Việt Nam, thật đúng như tên gọi “Về làng” – và thêm yêu quê hương, đất nước.

Tin bài: Mai Liên – Bích Đào