Mặt trăng trong mắt em – Trải nghiệm khám phá thiên văn của học sinh UMS
Thứ Sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2019, các bạn học sinh UMS đã có một buổi trải nghiệm thiên văn thú vị và bổ ích tại tại Học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hành trình trải nghiệm lần này đã mang lại cái nhìn chân thực nhất về Hệ Mặt trời, và đặc biệt là Mặt trăng cho các bạn học sinh.
Học sinh toàn trường chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Hào hứng từ trước khi buổi trải nghiệm thiên văn diễn ra, các bạn học sinh UMS tới với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự tò mò và thích thú khám phá khoa học.
Tại đây, các bạn học sinh được tham quan phòng trưng bày và nghe TS Phan Hiền – giảng viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (Trung tâm Thiên văn Vũ trụ) giới thiệu về hệ mặt trời, thứ tự xuất hiện, kích cỡ và tính chất của mỗi hành tinh. Vẻ mặt thích thú hiện rõ trên khuôn mặt các con khi được lắng nghe về nguồn gốc tên gọi các hành tinh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó thông qua một thiết bị đặc biệt.
Em là nhà du hành vũ trụ
Chăm chú lắng nghe bài giảng trong Hội trường lớn
Và kỳ thú với hình ảnh các hành tinh trong Hệ Mặt trời qua một thiết bị đặc biệt
Sau phần bài giảng, mỗi bạn được chọn một mô hình mà mình muốn làm và thử nghiệm làm mô hình thiên văn của chính bản thân. Các mô hình rất đa dạng, từ cấu trúc của mặt trời, xe thám hiểm bề mặt các hành tinh, tên lửa hay là phi hành gia. Bắt đầu với công đoạn đầu tiên là cắt giấy, mỗi học sinh UMS đều cần mẫn, tỉ mỉ đưa những đường kéo đầu tiên, để cố gắng hoàn thiện quy trình cắt – ghép và tạo mô hình mà mình yêu thích. Hơn 1 tiếng tập trung, nhưng có vẻ như các bạn nhỏ vẫn chưa hoàn thiện được mô hình của mình, hãy đợi sản phẩm khi hoàn thành nhé!
Làm mô hình không “khó” lắm đâu…
Chúng mình cùng cố gắng nhé!
Tớ sắp có kết quả rồi nè!
Ngay sau đó, hai nhà nhiếp ảnh gia thiên văn: Nguyễn Trần Hạ và Doãn Tuấn Dương đã chia sẻ cho các bạn nhỏ UMS những bức ảnh chụp các vi tinh vân, ngôi sao, thiên hà… từ chính các đài thiên văn của mình. Phần trao đổi của hai chuyên gia Nguyễn Trần Hạ (chủ nhân Đài thiên văn Nam Hà Nội) và Doãn Tuấn Dương (chủ nhân Đài thiên văn Phố Hiến) – tác giả những bức ảnh chụp các vì tinh vân, cụm sao, thiên hà từng giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nhiếp ảnh thiên văn – cung cấp nhiều kiến thức về kỹ thuật chụp ảnh thiên văn; những công đoạn cần có để hoàn thiện tác phẩm… Một số học sinh của trường đã vô cùng hào hứng với trò chơi Phơi sáng đoán vật thể để đoán đươc các vật thể nằm trong hộp kín được chuẩn bị sẵn.
Các bạn hào hứng tham gia trò chơi “Phơi sáng đoán vật thể”
Nghe Mỹ Linh (6A4) phát biểu cảm tưởng sau khi chơi nhé: Mỹ Linh 6A4 trả lời sau trò chơi phỏng đoán vật thể
Sau khi ăn tối, các bạn nhỏ đầy hứng khởi với hoạt động chính của buổi trải nghiệm: Chiêm ngưỡng mặt trăng thông qua kính thiên văn. Với 3 kính thiên văn quan sát mặt trăng từ xa tới gần, học sinh đã trầm trồ trước những gì quan sát được. Có bạn còn nũng nịu với bố mẹ, thầy cô: “Con ước mơ có một chiếc kính viễn vọng để quan sát bầu trời bao la”.
Vui vẻ với bữa ăn bên nhau tại Canteen Viện KHCN
Ngắm trăng giữa một đêm đẹp trời! Trải nghiệm thật thú vị!
Không chỉ riêng các bạn học sinh mà cả phụ huynh đi cùng các con đều rất tò mò muốn được nhìn tận mắt “nơi ở của chị Hằng”.
Học sinh (bên trái) và phụ huynh (bên phải) thích thú ngắm trăng qua kính thiên văn
Buổi học trải nghiệm kết thúc để lại nơi học sinh rất nhiều cảm xúc vui tươi, hứng khởi và đầy niềm hy vọng. Mỗi con học sinh như một phi hành gia du hành vào vũ trụ và trải nghiệm nơi vũ trụ bao la, rộng lớn ấy biết bao điều thú vị, bất ngờ cũng như những thành tựu của Việt Nam trên con đường chinh phục vũ trụ. Không chỉ giúp các con yêu hơn, trân trọng hơn Trái Đất và vũ trụ này, mà cũng chính từ đây sẽ khơi gợi, sẽ đánh thức nơi các con học sinh những hy vọng, những ước mơ chinh phục và khám phá thế giới. Hãy cứ mơ những giấc mơ của các con, nuôi dưỡng ước mơ, biết đâu một ai đó trong số các con hôm nay sẽ là người Việt Nam tiếp theo thực sự bay vào không gian, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và hơn thế nữa…
Hương Ly – Bích Đào – UMS Media