Phòng bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ trong y khoa còn gọi là viêm kết mạc, bệnh xảy ra khi lớp màng trong suốt bên trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt) cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm do một nguyên nhân nào đó. Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch từ mắt của người bệnh. 

Đau mắt đỏ có thể tái phát nhiều lần

I. Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ:

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó thường gặp phải là: Đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và do dị ứng mắt

1. Do Virus

Đau mắt đỏ do virus thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng đỏ mắt, ghèn, chảy nước mắt, cộm, ngứa khó chịu. Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan khi người bình thường vô tình tiếp xúc với nước mắt của người bệnh hoặc khi nói chuyện với họ vô tình ho, hắt hơi cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.

2. Do vi khuẩn

Dấu hiệu đặc trưng giúp nhận biết đau mắt đỏ do vi khuẩn thường dựa vào màu sắc của ghèn mắt sẽ là màu vàng xanh nhạt hoặc màu vàng xuất hiện nhiều vào buổi sáng sau khi thức giấc gây dính chặt 2 mi mắt với nhau, đi kèm ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều,… Khi bệnh chuyển nặng có thể gây ra tình trạng viêm loét giác mạc, thị lực suy giảm không thể hồi phục. Bệnh chủ yếu lây qua dịch tiết nước mắt của người bệnh hoặc bất cứ vật dụng nào có dính dịch tiết mắt của họ.

3. Do dị ứng mắt

Những người có cơ địa dễ bị dị ứng, nhạy cảm với những dị nguyên tưởng chừng vô hại như: Phấn hoa, lông chó, mèo, bụi bẩn, mỹ phẩm, thức ăn… gây ra tình trạng ngứa ngáy, sưng, đỏ, rỉ ở mắt… Bệnh thường xảy ra theo mùa, kéo dài và rất dễ tái phát cho đến khi người bệnh tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Dị ứng mắt gây viêm kết mạc thường không lây và sẽ bị ở cả 2 mắt.

4. Triệu chứng phổ biến

– Đỏ mắt: xuất hiện do cương tụ mạch máu ở lớp nông kết mạc, mắt nổi gân đỏ nhiều nhất ở kết mạc mi và giảm dần đến kết mạc nhẫn cầu và thường được gọi là cương tụ ngoại vi;

– Ghèn mắt (gỉ mắt): được kết thành bởi chất nhầy và xác của vi khuẩn cùng với các tế vào biểu mô bị bong rụng và kết đọng lại, đóng thành từng cục, từng đám, đặc quánh dính chặt vào chân lông mi của người bệnh hoặc đọng lại nơi khóe mắt;

– Ngứa, nhức mắt: cộm mắt như dị vật, nóng và rát;

– Nhạy cảm với ánh sáng: có thể thấy chói, khó nhìn, sợ ánh sáng;

– Chảy nước mắt: chảy nước mắt không kiểm soát

5. Phòng bệnh đau mắt đỏ

– Luôn vệ sinh sạch sẽ nhất là hai bàn tay;

– Khi đi ra ngoài nên đeo kính để hạn chế gió, bụi;

– Tra nước muối sinh lý để rửa mắt nhất là đối với gia đình có người thân bị bệnh;

– Phải tiến hành cách ly người bệnh: dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, thìa bát, vỏ gối, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người…

– Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân phải rửa tay bằng xà phòng. Khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm lại;

6. Khắc phục tại nhà

– Rửa sạch tay và mặt, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên;

– Đeo kính râm để giảm triệu chứng chói mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, nhiễm khuẩn;

– Không cho tay dụi mắt, sờ, gãi mắt;

– Tắm gội tránh để các hóa chất như dầu gội, sữa tắm dính vào mắt;

– Chú ý nghỉ ngơi, dinh dưỡng cho mắt nư vitamin cùng khoáng chất có nhiều trong các loại rau, củ quả để tăng cường sức đề kháng và giúp mắt mau phục hồi;

– Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hàng ngày để đẩy lùi các tác nhân gây bệnh;

– Tập trung điều trị hợp lý và tích cực cho người bệnh đến khi khỏi hẳn, nên nghỉ ngơi tại nhà từ 5-7 ngày để bệnh nhân mau phục hồi và tránh lây bệnh trong cộng đồng;

 – Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh và kháng viêm để phòng ngừa bội nhiễm cho mắt và hạn chế những triệu chứng khó chịu của bệnh theo chỉ định của bác sỹ;

 

Nguồn: Bệnh viện mắt Hà Nội