Học sinh Trường THCS Ngoại ngữ với hành trình tìm về cội nguồn người Việt

Hai ngày 24 và 25 tháng 11 năm 2020, trường THCS Ngoại ngữ tổ chức chuỗi trải nghiệm thú vị tại vùng quê hương quan họ – Bắc Ninh dành cho toàn thể học sinh khối lớp 6 và khối 7. Với chủ đề “Về nguồn”, các thầy cô giáo và học sinh toàn trường THCS Ngoại ngữ đã có trọn hai ngày trải nghiệm tuyệt vời tại các địa danh gắn liền với nguồn gốc người Việt, cái nôi của Phật giáo, Nho giáo, dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng tại quê hương của những câu dân ca xứ Bắc.

Mỗi chuyến đi là một hành trình tri thức

Người xưa có câu thơ lưu truyền dân gian:

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán chăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.

       Mở đầu chuỗi hành trình “Về nguồn” là địa danh gắn liền với lịch sử Phật giáo lâu đời nhất Việt Nam – Chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, các con được lắng nghe những câu chuyện lịch sử gắn với ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam. Chùa Dâu mang trong mình một nét cổ kính, thanh thoát và tịnh mịch, xứng danh với tên gọi “Ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam”. Các con cùng nhau quan sát kiến trúc, đọc văn tự, lắng nghe giai thoại lịch sử về chùa Dâu. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành vào năm 226 dưới thời Sĩ Nhiếp thái thú. Chùa Dâu có nhiều tên gọi khác nhau Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây chính là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Tháp Hòa Phong được dựng nơi chính giữa sân chùa, nổi bật với dáng hình chắc khỏe tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ. Các con đều háo hức, tập trung lắng nghe, ghi chép những thông tin thú vị từ ngôi chùa mang nét đẹp sùng cổ, thanh tịnh giữa cảnh sắc thiên nhiên yên bình.

Chăm chú ghi chép kiến thức dưới chân tháp Hòa Phong

Cùng bạn bè chụp ảnh bên cừu đá gần 2000 năm tuổi

Kế tiếp chuỗi hành trình, thầy và trò đã cùng nhau đến với Đền Sĩ Nhiếp – Nam Giao học tổ (được coi là Ông tổ Nho học ở Việt Nam) – xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Qua hàng cây cổ thụ xanh mát, hình ảnh cổng đền hiện lên nổi bật với 4 chữ Hán lớn đắp nổi “Nam Giao học tổ”.

Đường vào Đền thờ ông tổ của Nho học Việt Nam rợp bóng cây xanh

Tại đây, các con được gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện về người đã mở mang việc dạy học chữ Hán ở Việt Nam –  Sỹ Nhiếp thông qua lời kể tâm tình, trầm ấm của cụ Phạm Đình Hiếu – Thủ từ ở Khi di tích lăng và đền thờ Sĩ Nhiếp. Sau khi dâng lễ tại đền, thầy và trò cùng nhau ngồi quây quần lắng nghe huyền tích về một người thầy chữ Nho đáng kính của biết bao thế hệ học trò. Tiếp theo đó, các con di chuyển đến Lăng Sĩ Nhiếp – nằm phía Tây Bắc – bên trái ngôi đền. Khu vực lăng hiện lên là một khoảng đất nhỏ xung quanh xây tường hoa, nổi bật nhất là hình ảnh con cừu đá nằm ở phía Đông của lăng. Tương truyền rằng, trước đây có hai con cừu đá chấn giữa phía Đông – Tây của lăng Sĩ Nhiếp, nhưng sau đó, có một con chạy ra ruộng phá lúa của dân. Mẫn Man Nương đã làm phép đánh lõm lưng và bắt về chùa Dâu tu tập. Cho đến nay, một con cừu đã vẫn phủ phục trước lăng Nam Giao học tổ, con còn lại vẫn ở chùa Dâu. Những bức ảnh kính cẩn bên lăng Sĩ Nhiếp được thầy và trò trường THCS Ngoại ngữ hết sức trân trọng, nâng niu. Công đức của ngài Sĩ Nhiếp sẽ mãi luôn được người đời tôn vinh bởi:

“Dạy dân thông hiểu điều thi lễ

Xứng là học tổ đất trời Nam

Lăng mộ nghìn thu cừu trấn phục

Tam quan cổng đón đất nho sinh”.

Học sinh lắng nghe ông từ tại Đền Sĩ Nhiếp giới thiệu về Ngài và lịch sử Nho học Việt Nam

Trật tự sau khi vào thăm viếng Đền Nam Giao học tổ

Kết nối chuỗi hành trình trải nghiệm, các con cùng hướng tới một làng tranh dân gian nổi tiếng nhất Việt Nam, mang tên “Làng tranh Đông Hồ” (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trong các giờ thực hành mỹ thuật trên lớp, các con đã được thực hành in khuôn tranh Đông Hồ trên nền giấy dó. Và ngày hôm nay, các con được trực tiếp đến trải nghiệm, lắng nghe, thực hành, trao đổi tại không gian giao lưu văn hóa yên bình của cụ Nguyễn Đăng Chế – một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất tại làng tranh Đông Hồ.

Trung tâm giao lưu văn hóa Tranh dân gian Đông Hồ là điểm đến tiếp theo của các bạn nhỏ

Học sinh lắng nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói về tranh dân gian Đông Hồ

Tại đây, cụ Nguyễn Đăng Chế đã tường thuật lại những điều đặc biệt về nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm, nguyên liệu, cách sử dụng và ý nghĩa của từng cặp tranh Đông Hồ.

Những nguyên liệu đơn sơ để tạo nên “nét tươi trong” của tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Đông Hồ nổi tiếng không chỉ bởi nét vẽ dân gian tinh tế và sau từng cặp tranh, các tác giả dân gian muốn gửi gắm đến cho con người những bài học ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Các bạn nhỏ không khỏi trầm trồ khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một nghệ nhân lớn tuổi, có vô vàn kinh nghiệm trong việc gây dựng và duy trì dòng tranh đặc biệt của dân gian. Bằng sự cẩn thận, chu đáo, thân thiện của cụ Nguyễn Đăng Chế, tâm hồn của các con dường như đã được gắn kết, lan tỏa trong vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của dòng tranh làng Đông Hồ. Một tiết học nhỏ với nhiều niềm vui và hạnh phúc hiện rõ trên từng khuôn mặt thơ ngây.

Chăm chú lắng nghe và ghi chép khi nghệ nhân nói về đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ

Sau giờ ăn trưa, nghỉ ngơi, học sinh tiếp tục được trải nghiệm in tranh Đông Hồ trên giấy dó với đủ loại sắc màu khác nhau. Mỗi bạn được thực hành tạo 02 bức tranh tại không gian giao lưu nghệ thuật này với hy vọng đây sẽ là nơi để lại nhiều dấu ấn tuyệt vời khi xa rời chốn xôn xao thành thị để trở về với miền quê rất đỗi thân thương.

Cẩn thận từng bước in màu lên giấy

Những bức tranh do chính các bạn nhỏ hoàn thành

Và đây là quá trình cuối cùng để hoàn thành sản phẩm

Háo hức phơi tranh khô để đưa sản phẩm nghệ thuật của mình về Hà Nội

Thầy Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn nghệ nhân đã đem lại những kiến thức bổ ích cho học sinh

Chuyến thăm đến Lăng Kinh Dương Vương – Thủy tổ Việt Nam (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tình Bắc Ninh) đã kết thúc chuỗi hành trình trải nghiệm tại “ cái nôi quan họ” trong ngày 24 tháng 11 năm 2020 dành cho tập thể học sinh khối lớp 6. Tại đền và lăng thờ Kinh Dương Vương, các con được quan sát kiến trúc, khu thờ phụng cha của Lạc Long Quân, và dường như truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” lại ùa về trong ký ức. Bên cạnh hoạt động tham vãn cảnh đền, lăng; các con được vui chơi, ngắm nhìn hình ảnh dòng sông Đuống chảy mềm mại, êm đềm, hiền hòa nằm ngay cạnh đền Kinh Dương Vương.

Thầy và trò chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Kinh Dương Vương         

Trong ngày 25 tháng 11 năm 2020, tập thể học sinh khối lớp 7 đã kết thúc chuỗi hành trình trải nghiệm trong ngày tại khu di tích chùa Bút Tháp – một ngôi chùa thanh tịnh nằm bên đê hữu ngạn sông Đuống. Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự) được coi là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng châu thổ Bắc Bộ, vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tại đây, các con được tham vãn cảnh chùa, quần thể kiến trúc cổ tự nổi bật giữa cánh đồng lúa mênh mông. Đây chắc chắn sẽ là chuỗi trải nghiệm đáng nhớ dành cho các bạn nhỏ, không chỉ mở rộng thêm tri thức và còn giúp các con hiểu được giá trị tâm linh, Phật pháp tại những ngôi chùa cổ kính, gắn liền với nhiều giá trị lịch sử cốt lõi của dân tộc Việt.

Bức ảnh tập thể của hai khối trên sân nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Hai ngày trải nghiệm với hàng loạt chuỗi hoạt động tuyệt vời tại Bắc Ninh các bạn nhỏ đã có thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích, lí thú về những di tích lịch sử quan trọng của người Việt. Các con đã cùng nhau tìm về cội nguồn dân tộc với những giai thoại lịch sử tuyệt với, gắn liền với hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kết thúc hai ngày trải nghiệm, chắc hẳn các con vẫn sẽ nhớ đến câu: “Con Hồng cháu Lạc tự bao đời”.

Phạm Nga – GV Ngữ văn