Hành trình tạo nên những vở kịch độc đáo của các UMSers

“Òa! Những vở kịch của các UMSers thật là hay! Làm thế nào để các bạn ấy có thể tạo nên những vở kịch như vậy nhỉ”?

Hành trình trải nghiệm “Về làng” tại Khu du lịch Sinh thái Long Việt vừa qua của UMSers chúng tớ thật là một chuyến đi đáng nhớ với rất nhiều những hoạt động thú vị và bổ ích. Tớ rất ấn tượng với những vở kịch độc đáo, sáng tạo của các học sinh khối 6, khối 7. Nó mang lại cho tớ những tiếng cười và nhiều bài học sâu xa.

Để những bài học Ngữ Văn trở nên sinh động và đặc sắc hơn, các bạn học sinh khối 6 đã cùng nhau đưa chúng lên sân khấu theo phong cách đậm chất riêng của mình, biến những truyền thuyết, truyện cổ tích đã được học, trở thành những vở kịch “vừa quen vừa lạ”: quen thuộc và gần gũi với những câu chuyện từ ngày còn bé cha mẹ, ông bà đã kể cho chúng ta nghe, nhưng lại khiến người xem cảm thấy mới mẻ và độc đáo hơn với những chi tiết sáng tạo của các bạn học sinh khối 6, cùng nét diễn xuất đáng yêu. Các bạn 6A1 và 6A2 đã tái hiện lại truyện “Tấm Cám”, mang đến cho chúng tớ và thầy cô những hình ảnh rất chân thực về cô Tấm vất vả, bị mẹ kế và Cám đối xử tàn tệ. Tớ cảm thấy rất hâm mộ với tài năng diễn xuất của các em. Không biết các em đã tập luyện bao nhiêu lâu để có thể diễn xuất và phối hợp với nhau nhuần nhuyễn như vậy.

Cô Tấm thử hài

“Nàng Tấm đã đi vừa chiếc hài này. Ta tuyên bố sẽ lấy nàng làm vợ”!

“Thị ơi, thị rụng bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”!

Bằng tài năng sáng tạo của mình, các em 6A3 và 6A4 đã tạo cho khán giả rất nhiều bất ngờ và niềm vui với hai vở kịch “Bánh chưng, bánh giầy”, “Cây khế”. Như những diễn viên chuyện nghiệp, các xây dựng lên những nhân vật Vua Hùng uy nghiêm, Lang Liêu chất phác; rồi đến người em nghèo trồng khế, ông anh tham lam, … các em diễn hay đến mức tớ cứ vừa xem vừa vỗ tay khâm phục mãi thôi! Ngoài ra, với những sự khéo léo của mình, phần đạo cụ đã được các UMSers khối 6 tự làm ra, chuẩn bị rất kĩ càng và công phu. Các em cũng dành thời gian tập luyện rất nhiều để có được một màn trình diễn hoàn hảo nhất. Em Thái Hòa (6A3) đã chia sẻ với tớ về quá trình lớp em cùng đóng góp để xây dựng nên vở kịch: “Chúng em hy vọng gửi gắm tới khán giả ý nghĩa và bài học từ những mẩu chuyện dân gian, quen thuộc với tất cả mọi người”. Tớ cũng có thắc mắc về giai đoạn tập luyện của các em, em trả lời: “Trong quá trình làm kịch em cảm thấy rất vui, có rất nhiều tiếng cười”. Và chính những vở kịch của các em đã mang lại nụ cười, sự thích thú cho tất cả m ọi người trong buổi trải nghiệm lần này.

Đạo cụ được các UMSers chuẩn bị rất sang tạo và công phu

“Anh em Cây khế”

Những vở kịch của khối 7 chúng tớ cũng rất hay đó nha! Chủ đề của chúng tớ là Kho tàng Ca dao dân ca Việt Nam. Tuy khó hơn một chút so với các em lớp 6, nhưng không làm khó được khối 7 chúng tớ đâu! Tất cả các lớp đều có những ý tưởng rất hay, cho người xem rất nhiều thông điệp, câu chuyện tuy giản dị nhưng lại rất ý nghĩa. Các bạn cũng thêm vào những chi tiết hài hước, nhí nhảnh, khiến mọi người đều bị cuốn hút. 

Tớ cực kì thích vở kịch của 7A1. Các bạn đã đưa chúng tớ đến bối cảnh mùa dịch Covid với thông điệp vô cùng ý nghĩa: dù có trong bất kì hoàn cảnh nào, ta vẫn luôn có cách để trưởng thành hơn, vượt qua tất cả; đoàn kết là sức mạnh, ta cùng đồng lòng đánh bay Covid, và sức mạnh của sự đoàn kết này trường tồn mãi như các câu ca dao dân ca. “Tớ rất tự hào khi được đóng vai một anh chàng ‘Grab’. Trong dịch Covid, có những anh xe ôm dù không kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn rất tích cực đóng góp cho đất nước.” – Bạn Đình Nguyên (7A1) đã nói với tớ như vậy. Tớ cũng rất đồng tình. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang cùng nhau cố gắng, đoàn kết đánh bại “Cô – vít” nguy hiểm.

Một sự kết hợp hoàn hảo giữa 7A2 và 7A3 qua vở kịch “Việt kiều – hành trình tìm lại văn hóa dân tộc” đã cho khán giả thấy được những câu ca dao dân ca dù đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng vẫn luôn có ý nghĩa sâu xa cho tới hiện tại. “Điều đầu tiên chúng tớ nghĩ đến là làm thế nào để giải thích ý nghĩa của các câu ca dao qua việc liên hệ chúng gần gũi hơn trong cuộc sống hàng ngày.” – Bạn Kim Thư (7A2) chia sẻ. “Vậy nên hai lớp chúng tớ đã nghĩ ra ý tưởng viết một câu chuyện về hai bạn Việt kiều cùng với những người bạn của mình tìm lại những giá trị văn hóa dân tộc”. Các bạn thật tài giỏi, đã khiến cho ai cũng ấn tượng với hình ảnh các cô thôn nữ trên đồng lúa vùng nông thôn, hay vẻ đẹp của con người Hà Nội nói riêng và thủ đô nghìn năm văn hiến nói chung, v.v. Đến bây giờ, tớ vẫn nhớ rất kĩ và cực mê vở kịch này. “Trong quá trình làm kịch bản thì em thấy về phần em, em cũng học hỏi được rất nhiều điều từ những câu ca dao này. Em cũng đã diễn vai cậu bé chăn trâu, và em thấy rất hài lòng về phần diễn của mình. Em cũng rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé của mình để vở kịch trở nên hấp dẫn hơn.” – Đó là cảm nhận của bạn Đặng Trần Nhật Minh (7A3). C ác b ạn thời gian qua không chỉ tập diễn rất chăm chỉ, mà còn tìm thấy được nhiều niềm vui và bài học trong quá trình luyện nữa!

Tái hiện lại khung cảnh đám trẻ chăn trâu ngồi thổi sáo, đọc vang những bài ca dao.

Một tình yêu đôi lứa trong sáng bị vùi dập bởi sự nghèo khó, trong thời đại Phong kiến – đó là nội dung vở kịch của tập thể 7A4. Nghe qua đã thấy thật thú vị nhỉ? Qua những vai diễn giản dị, tiêu biểu như cặp đôi Nô và Lụa có một tình yêu đau khổ, chúng tớ như được đi trên một chuyến tàu quay ngược thời gian trở về thời đại Phong kiến, chứng kiến những cuộc tình trai gái bị chia cắt bởi lối suy nghĩ “Trọng nam khinh nữ” thời xưa. Tuy nhiên, trong đó, các bạn còn lồng ghép cả những chi tiết thể hiện vẻ đẹp của mảnh đất hình chữ S ta đang sinh sống, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chúng ta. “Chúng tớ muốn mọi người thấy được sự trong sáng của tình yêu đôi lứa, sự khổ đau của số phận phụ nữ thời xưa, và biết Tổ quốc chúng ta đẹp đến nhường nào.” – Xuân Nguyên (7A4) kể.

Chàng Nô tâm sự với anh bạn về chuyện tình đau khổ, bị chia cắt của mình.

Qua gần một tháng vất vả chuẩn bị, các bạn học sinh UMS đã mang đến những vở kịch đầy màu sắc, thật đáng khâm phục và tự hào! Các UMSers thật sự rất sáng tạo và tài giỏi phải không nào?

                                      Nguyễn Thùy Minh – HS Lớp 7A2