Chung tay phòng chống các loại dịch bệnh theo mùa

I. Các biện pháp phòng chống COVID – 19

1. Khái niệm: Covid – 19 là viết tắt của Coronavirus disease 2019 – một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus SARS-CoV-2 – một chủng mới của virus Corona, gây viêm đường hô hấp cấp ở người và có khả năng lây lan từ người sang người.

2. Các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 02 mét khi tiếp xúc.

– Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

– Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

– Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

– Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…

– Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

– Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

Hiện tại, đã bắt đầu có làn sóng thứ hai về sự xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa bệnh dịch nguy hiểm này. Tất cả những trường hợp đi, đến và trở về từ vùng dịch đều phải khai báo y tế bắt buộc, thực hiện cách ly theo quy định. Có thể liên hệ 2 số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế để cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp Covid – 19 là: 1900 3228  1900 9095. Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

II. Bệnh sốt xuất huyết

1. Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

2. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc Messocyclops (Một loài giáp xác rất thích ăn ấu trùng muỗi) vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

– Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

III. Bệnh cúm

1. Bệnh cúm là gì?
          Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh – mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong.
2. Cách phòng ngừa bệnh cúm

– Hạn chế tiếp xúc với người bị Cúm hoặc khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
          – Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh.
          – Hỗ trợ bảo vệ niêm mạc đường hô hấp( mũi, miệng) là nơi cửa ngõ xâm nhập của virus cúm.

          -Tiêm vắc xin cúm: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Vắc-xin cúm sẽ bảo vệ người được tiêm khỏi ba hoặc bốn loại vi-rút cúm phổ biến nhất lưu hành trong mùa cúm năm đó.

IV. Bệnh tay chân miệng

1. Thế nào là bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ, phân của của người bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật mà người bệnh đã cầm vào.

2. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ: khi ra vào lớp, đi vệ sinh, chơi đồ chơi, ăn uống, sau khi dùng tay che miệng ho… Người lớn cũng phải thường xuyên rửa tay khi thay tả, vệ sinh cho trẻ.

– Kỹ lưỡng trong ăn uống và sinh hoạt: ăn chín, uống sôi; muỗng, nĩa, tô, chén, đĩa,.. phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ bốc thức ăn, mút tay, ngậm đồ chơi, sử dụng khăn tay, quần áo chung…

– Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghe ngờ mắc bệnh. Trường hợp trẻ mắc bệnh, hãy cho trẻ ở nhà cho đến khi khỏi hẳn.

– Thường xuyên lau chùi cả bề mặt và vật dụng trẻ hay tiếp xúc như: sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế… bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất.

V. Bệnh sởi

1. Khái niệm

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Hoặc khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại… Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh.

2. Cách phòng ngừa sởi

– Chủ động tiêm vacxin đúng thời gian quy định: mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.

– Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.

– Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.

     – Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi

     – Tránh tối đa việc dụi mắt, mũi.

– Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.

– Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

VI. Bệnh bạch hầu

1. Thế nào là bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

2. Các biện pháp phòng chống dịch

2.1. Biện pháp dự phòng

– Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ.

– Vệ sinh phòng bệnh:

+ Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
          + Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

          + Tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện thì khoảng 5 năm tiến hành đánh giá tiêm chủng một lần và/ hoặc thực hiện phản ứng Shick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu trong quần thể trẻ em.

2.2. Biện pháp chống dịch

–  Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo.

– Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

– Quản lý người lành mang vi khuẩn, người tiếp xúc: Những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Tiêm 1 liều đơn Penicillin hoặc uống Erythromycin từ 7-10 ngày cho những người đã bị phơi nhiễm với bạch hầu, bất kể tình trạng miễn dịch của họ như thế nào. Nếu xét nghiệm vi khuẩn (+) thì họ phải được điều trị kháng sinh và tạm nghỉ việc tại các trường học hoặc cơ sở chế biến thực phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn (-).

+ Những người tiếp xúc đã được gây miễn dịch trước đây thì nên tiêm nhắc lại một liều giải độc tố bạch hầu.

+ Xử lý môi trường: Phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp trở lại, Ban giám hiệu nhà trường đề nghị toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh trường THCS Ngoại ngữ tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch. Mỗi cá nhân, tập thể thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao hiểu biết về các loại dịch bệnh đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phù hợp phòng chống dịch với bản thân, gia đình và cộng đồng./.