HĐTN Về nguồn – Chùa Phật Tích – Tranh dân gian Đông Hồ -K6

🚌🏞️Một ngày trải nghiệm tại Bắc Ninh của các bạn học sinh khối 6 trường UMS.
Ngày hôm qua tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các bạn học sinh khối 6 trường THCS Ngoại Ngữ đã có buổi tham quan và học tập kết hợp trải nghiệm đầy thú vị. Tại đây, các bạn đã cùng nhau ngược dòng lịch sử trở về thời xa xưa, thuở người tiền sử mới xuất hiện trên mảnh đất mà khi đó chưa thành hình chữ S để tìm hiểu về những nét nghệ thuật đầu tiên còn thô hoang, giản đơn đến sự tỉ mỉ, tinh xảo của nền văn hoá Đông Sơn được tổ tiên ta tạo ra. Các bạn nhỏ đã thu hoạch được một chi tiết hết sức thú vị, ta đã khẳng định được Việt Nam là một trong những cái nôi của trống đồng do một lượng lớn những mảnh khuôn đúc trống đồng đã được tìm thấy ở Luy Lâu xưa-Bắc Ninh nay.
Và hôm nay, trong cái se lạnh của những ngày đầu đông, các bạn nhỏ lại cùng nhau bắt đầu một hành trình mới ngay tại mảnh đất Luy Lâu – Bắc Ninh này. Đó là trở về nơi phát tích của nhà Lý, thăm chùa Phật Tích-ngôi cổ tự ngót nghìn năm tuổi và tìm hiểu về một trong những làng tranh dân gian lâu đời bậc nhất Việt Nam, trải nghiệm một bước nhỏ trong quy trình làm nên bức tranh Đông Hồ. Các bạn nhỏ đến chùa Phật Tích vào một buổi sớm khi sương còn vờn nhẹ trên đỉnh núi, đây đó có vài người đi lễ chùa. Sau khi ổn định tại sân trước toà Tam bảo, các bạn được nghe giới thiệu sơ lược về lịch sử của ngôi đại danh lam một thuở, về hàng linh thú có tuổi đời bằng với ngôi chùa toạ lạc hai bên Tam bảo. Điểm nhấn chính là tôn tượng đức phật A di đà bằng đá vô cùng quý giá được phát hiện ngay tại chùa và giờ đây được thờ trong chính điện. Tiếp đó, các bạn nhỏ đã có một trải nghiệm vượt hơn trăm bậc thang dẫn lên đỉnh núi. Tại đây, các bạn được phóng tầm mắt ra xa bao quát trọn vẹn cảnh chùa. Nơi đây an trí tôn tượng đức A di đà được xây dựng theo nguyên mẫu pho tượng cổ trong chính điện nhưng lớn hơn nhiều và các bạn đã được thấy rõ hơn những chi tiết trên bức tượng mà có thể hơi khó nhìn khi chiêm ngưỡng pho tượng cổ. Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được giới thiệu về một công trình không còn nữa mà nay đã được phục dựng như tháp Phổ Quang. Trước khi rời ngôi già lam, các bạn cũng không quên lưu lại những khoảnh khắc làm kỷ niệm cùng thầy cô và bè bạn. Rời chùa, các bạn cùng nhau dùng bữa trưa vui vẻ tại một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng bên bờ sông lộng gió và có thêm nhiều trò chơi thú vị.
Sau bữa trưa, tất cả lại cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình tại làng tranh dân gian Đông Hồ và điểm đến là nhà của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Sau ít phút nghỉ ngơi lấy lại sức, các bạn nhỏ đã được lắng nghe từ chính cụ Nguyễn Đăng chế, một trong số ít nghệ nhân còn giữ nghề in tranh những câu chuyện xung quanh bức tranh dân gian Đông Hồ. Cụ chậm rãi bắt đầu bằng hai câu thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của cố thi sĩ Hoàng Cầm:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Rồi cụ say sưa kể về việc làm nên một bức tranh Đông Hồ từ khâu làm giấy dó đến từng bước in tranh. Vừa nghe, các bạn vừa ghi lại những thông tin quý giá vào phiếu trải nghiệm. Một điều rất vui đó là nhiều bạn đã đặt những câu hỏi hay và cụ nghệ nhân cũng rất vui vẻ trả lời cùng những lời giải thích thêm cho cho các bạn nhỏ dễ hiểu. Và phần thú vị mà các bạn mong chờ cũng được diễn ra. Đó là các bạn được tự tay in bản nét cho bức tranh Đông Hồ với những đề tài gần gũi như: đọc sách trên lưng trâu, đám cưới chuột, vinh quy bái tổ… Các bạn nhỏ đã rất phấn khích và hào hứng khi được tham gia in tranh rồi còn được mang những bức tranh ấy về khoe bố mẹ, ông bà. Sau một khoảng thời gian được tham gia in tranh và nghỉ ngơi cho lại sức, các bạn nhỏ lên xe trở về trường trong tiếng cười nói râm ran, kết thúc ngày trải nghiệm thật vui và thú vị để rồi cùng chuẩn bị tâm thế cho những cuộc trải nghiệm tiếp theo với bao điều mới mẻ đang chờ đợi phía trước.