Học tiếng Hàn như Ngoại ngữ 2 ở THCS Ngoại ngữ – những điều ấn tượng

Ngày 11/3/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tình hình giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam”. Toạ đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cô Dương Mỹ Linh – giáo viên Trường THCS Ngoại ngữ đã trình bày tham luận về việc giảng dạy tiếng Hàn như Ngoại ngữ 2 tại trường với những điều ấn tượng.

Trường THCS Ngoại ngữ đào tạo ngoại ngữ thứ 2, sau khi trúng tuyển vào trường, học sinh được lựa chọn một trong 4 thứ tiếng: Đức, Trung, Nhật, Hàn để học như ngoại ngữ. 3 năm hình thành, 40 học sinh đang học tiếng Hàn, trong đó: khối 8: 14 học sinh, khối 7: 10 học sinh, khối 6: 14 học sinh.

Một giờ học tiếng Hàn của học sinh UMS

Dù số lượng và quy mô lớp ít, nhưng Trường có đầy đủ đội ngũ với giáo viên người Việt, chuyên gia người Hàn và các trợ giảng trong tất cả các lớp. Chương trình đào tạo bám sát chương trình thí điểm do các chuyên gia Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn với đầy đủ các kỹ năng: Từ vựng – Ngữ pháp, Nghe, Nói, Viết. Sau khi kết thúc chương trình học THCS, học sinh sẽ đạt trình độ B1 theo khung tham chiếu Châu Âu 4 cấp độ. Giờ học khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động nhóm nhỏ để tăng cường khả năng tương tác cũng như tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Học sinh UMS là những người biết đến chương trình tiếng Hàn THCS đầu tiên của cả nước với SGK thí điểm

Góp ý để hoàn thiện chương trình SGK thí điểm

Đội ngũ dạy học tiếng Hàn tại UMS

Học sinh lựa chọn học tiếng Hàn bởi sự yêu thích với văn hoá Hàn Quốc thông qua phim ảnh, ẩm thực, K-pop, hoặc do thích ngôn ngữ Hàn… Do vậy, tình yêu tiếng Hàn được sinh ra một cách tự nhiên, giúp các em có cảm hứng học tập và tinh thần tự học rất cao. Một số bạn mong muốn sau khi học xong chương trình THCS Ngoại ngữ có dự định sẽ thi vào khối chuyên tiếng Hàn của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ,

Tiếng Hàn – tại sao không thử?

Các hoạt động thú vị gắn với tiếng Hàn

Bên cạnh các hoạt động thú vị trên lớp, học sinh lớp tiếng Hàn còn có các hoạt động giao lưu văn hoá với người Hàn trong các chương trình trải nghiệm tại nhà trường. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, học sinh Ngoại ngữ không có nhiều cơ hội hoạt động trải nghiệm, nên các dự án trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc cũng chưa được triển khai trong năm học 2021-2022, các em mong muốn được quay trở lại trường, tham gia vào các hoạt động thú vị gắn liền với ngôn ngữ thứ 3 mà mình theo học.

Học sinh lớp tiếng Hàn tham gia Ngày hội tiếng Hàn – Hangeulnal trước khi có dịch

Sau khi nghe xong phần trình bày của cô Linh, cô Nguyễn Huyền Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ nhận định: “Chương trình tiêng Hàn tại UMS luôn được các bạn học sinh rất yêu thích và giờ học tiếng Hàn lúc nào cũng rất sôi nổi. Mong là UMS sẽ có nhiều cơ hội giao lưu hơn với các bạn đang học tiếng Hàn cùng các thầy cô giáo“.

Bài tham luận của cô Dương Mỹ Linh nhận được nhiều sự quan tâm và ngợi khen của các nhà nghiên cứu tham dự toạ đàm. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, việc học tiếng Hàn sẽ tiếp tục đạt được những thành công cả về chất lương và số lượng học sinh tham gia, qua đó khẳng định thương hiệu đào tạo ngoại ngữ của Trường THCS Ngoại ngữ.

Các nhà khoa học tham dự toạ đàm

Toạ đảm “Tình hình giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam” nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội thảo Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC 2022) và cũng là hoạt động thuộc Đề án “Xây dựng hệ thống đào tạo và nghiên cứu để phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam” do AKS Core (Dự án Phát triển đại học trọng điểm về Hàn Quốc học ở nước ngoài) tài trợ.

Tổ chức theo hình thức kết hợp, tọa đàm thu hút hơn 800 người tham gia là đại diện lãnh đạo các cấp; Giảng viên, sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng đào tạo ngành ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam; Giáo viên, học sinh các trường THPT, THCS toàn quốc có giảng dạy tiếng Hàn Quốc.