PHÒNG CHỐNG CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG

I. Cận thị là gì?
– Cận thị là mắt chỉ nhìn thấy vật ở gần chứ không nhìn thấy vật ở xa.
– Biểu hiện ban đầu của bệnh là mỏi mắt, căng mắt, nhức đầu, khó chịu khi đọc sách, tiếp theo là nhìn mờ, không nhìn thấy vật ở xa.
II. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị cận thị
– Khi nhìn, đọc sách : trẻ hay nhíu mày, dụi mắt, nghẹo đầu để nhìn, cúi sát đầu vào sách . Đọc sách không lâu đã than nhức đầu, nhức mắt.
-Khi xem tivi trẻ thường ngồi xích lại gần màn hình.
– Kết quả học tập giảm sút, hay chép bài sai, phải nhìn bạn chép lại.
-Trong sinh hoạt : chậm chạp hơn các bạn, kém linh hoạt không thích tham gia các trò chơi vận động.
III. Nguyên nhân của bệnh cận thị
– Hai nguyên nhân chính gây bệnh cận thị: là do bẩm sinh và mắc phải.
– Quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở tuổi học sinh có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt, dẫn tới cận thị học đường.
IV. Tác hại của bệnh cận thị
– Hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh.
– Hạn chế các hoạt động thể dục thể thao, sự lựa chọn ngành nghề trong cuộc sống.
– Hạn chế một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày, dễ bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt.
– Hạn chế một phần kết quả học tập do mắt chóng bị mỏi, do nhìn bảng không rõ, viết và đọc chậm.
V. Một số biện pháp phòng chống bệnh cận thị
1. Một số chỉ dẫn cần được tuân thủ trong sinh hoạt và học tập:

– Bảo đảm phòng học đủ ánh sáng : Tận dụng ánh sáng tự nhiên và tăng cường nguồn sáng từ nguồn điện
– Ngồi thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà.
– Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học:
+25cm đối với học sinh tiểu học.
+ 30cm với học sinh trung học cơ sở.
+35cm với học sinh trung học phổ thông và người lớn.
– Giảm mọi căng thẳng cho mắt : Đọc sách 30-45 phút thì phải cho mắt nghỉ, bằng cách nhắm mắt lại hoặc lùi ra xa trong ít phút.
– Kết hợp học tập, vui chơi, nghỉ ngơi, lao động để mắt được nghỉ.
– Hàng năm nhà trường tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, kiểm tra thị lực cho học sinh để phát hiện sớm các trường hợp mắt bị tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng để có biện pháp điều trị phù hợp.
– Khi bị cận thị phải đeo kính đúng số thầy thuốc đã chỉ định.
2. Bỏ những thói quen có hại cho mắt:
– Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài.
– Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
– Khi xem ti vi, máy tính phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem.
– Không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ.
3. Dinh dưỡng
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, trong đó có các chất giàu vitamin A ( trái cây có màu vàng, đỏ , rau xanh , gan, dầu cá…)
-Tập luyện vừa sức, cân đối.
Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường.


Nguồn: TRUNG TÂM Y TẾ CẦU GIẤY – KHOA YTCC&DD