Chuyên gia UNICEF: ‘Trẻ em cần được đảm bảo quyền học tập trong Covid-19’

Chuyên gia UNICEF khuyến cáo việc học cần duy trì qua nền tảng số, song song hỗ trợ tinh thần, an toàn cho trẻ, chuẩn bị kế hoạch khi trường học mở cửa trở lại…

Việc đóng cửa trường học do Covid-19 ảnh hưởng đến 21,2 triệu trẻ em Việt Nam trong độ tuổi đến trường. Khi nhiều em có thể sẽ tiếp tục học trực tuyến, bà Lê Anh Lan – Chuyên gia Giáo dục UNICEF Việt Nam, chia sẻ với VnExpress về các biện pháp nhằm duy trì tính liên tục của việc học tập và khuyến nghị nhằm đảm bảo quyền được học của trẻ em.

– Covid-19 có những tác động gì đến việc học của các em, đặc biệt là với hình thức trực tuyến?

– Khi năm học mới bắt đầu vào nửa cuối của tháng 8, nhiều học sinh Việt Nam sẽ trải qua một số hình thức học tập từ xa.

UNICEF đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên nhằm đảm bảo liên tục việc học tập của học sinh kể từ khi Covid-19 bùng phát. Những nỗ lực này bao gồm chuyển sang học và kiểm tra trực tuyến, linh hoạt trong hình thức đánh giá vào cuối năm học trước.

Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề với những học sinh nhỏ tuổi, trẻ em không được tiếp cận với các thiết bị và Internet, bao gồm trẻ em ở các vùng sâu vùng xa, trẻ khuyết tật. Khi thiếu các phương pháp giáo dục trực tiếp, các giáo viên cũng khó có thể xác định và xử lý tình trạng học chậm, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, lạm dụng của trẻ mẫu giáo, lớp một.

Các dịch vụ thiết yếu học đường như tiêm chủng, bữa ăn ở trường, hỗ trợ về sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội bị gián đoạn trong khi lo âu có thể gia tăng do mất tương tác với bạn bè và thói quen. Việc này cũng có thể làm trầm trọng thêm những rủi ro trong bảo vệ trẻ em, như bạo lực về giới, an toàn trong không gian mạng, lao động trẻ em, tảo hôn hoặc mang thai ở tuổi vị thành niên.

Bà Lê Anh Lan - chuyên gia giáo dục UNICEF Việt Nam. Ảnh: NVCC

Bà Lê Anh Lan – Chuyên gia Giáo dục UNICEF Việt Nam. Ảnh: UNICEF Việt Nam – Trương Việt Hùng

– Khi các trường học mở cửa trở lại để học trực tiếp, bà có thể đưa ra khuyến nghị để đảm bảo an toàn cho trẻ em?

– UNICEF đánh giá cao việc Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho giáo viên. Đây là bước chuẩn bị quan trọng và kịp thời cho giáo dục trực tiếp khi trường học mở cửa trở lại.

Khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, trường học phải được mở cửa trước tiên. Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các hướng dẫn để mở cửa trường học an toàn trở lại, đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu như chất khử trùng, xà phòng và nước sạch. Ở những địa bàn cần thiết, cần chuẩn bị cả thiết bị bảo hộ và biện pháp giãn cách.

Chúng ta cũng cần chuẩn bị các chương trình mục tiêu để đưa tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trở lại trường, nơi các em có thể tiếp cận với dịch vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu học tập, thể chất, tâm lý xã hội và các nhu cầu khác. Từ đó đảm bảo việc học tập khắc phục hậu quả, giúp học sinh bắt kịp với chương trình học bị bỏ lỡ, hỗ trợ giáo viên giải quyết những buổi học bị gián đoạn và kết hợp công nghệ số vào giảng dạy.

– UNICEF có kế hoạch gì để hỗ trợ đảm bảo việc học tập liên tục trong thời gian ngừng hoạt động?

– UNICEF hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số hệ thống giáo dục trước và trong khi bùng phát dịch Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nắm bắt cơ hội để đưa phổ cập số vào chương trình giảng dạy quốc gia cho tất cả cấp học, thiết lập một hệ thống giáo dục số. “Khung năng lực số và kỹ năng chuyển đổi” cũng được phát triển, đưa vào một phần trong ngân sách và kế hoạch giáo dục quốc gia 10 năm tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UNICEF lập bản đồ kết nối Internet, cải thiện hạ tầng cơ sở kỹ thuật số cho trường học, đặc biệt là các trường vùng sâu vùng xa cùng miền núi. Chúng tôi đã giới thiệu công nghệ thực tế ảo tăng cường (AVR) tại các tỉnh miền núi xa xôi, giúp 28.500 trẻ em – khoảng một nửa trong số đó là các bé gái dân tộc thiểu số – được học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) thông qua trải nghiệm tương tác, nhập vai. Ở một số trường mầm non công lập vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số đã được học các kỹ năng số cơ bản thông qua sách tranh tăng cường thực tế ảo. Sau quá trình thử nghiệm, giải pháp này được đánh giá tiên tiến với chi phí hợp lý và có thể nhân rộng, kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách số ở Việt Nam.

lớp 7B, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Sín Chéng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cùng học với các bạn tại ký túc xá

Các em lớp 7B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Sín Chéng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai học trực tuyến tại ký túc xá. Ảnh: UNICEF Việt Nam – Trương Việt Hùng

– Vậy những khuyến nghị giúp trẻ em được học tập và an toàn trong Covid-19 là gì?

– UNICEF kêu gọi chính phủ tiếp tục tăng cường nỗ lực tái định hình giáo dục và đảm bảo tất cả trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật được tiếp tục học tập. Các hoạt động bao gồm cung cấp giải pháp học tập số có tiêu chuẩn, nội dung tương đương quốc tế nhưng giá thành hợp lý cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các khu vực công, tư, những người trẻ tuổi.

Để giảm thiểu tác động lâu dài của sự gián đoạn học tập, Chính phủ nên hỗ trợ giáo viên, nhân viên xã hội và người chăm sóc đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ em, hỗ trợ cho những trẻ dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những trẻ đã nghỉ học trước Covid-19.

Bằng cách nắm bắt sức mạnh của các giải pháp số trong thời điểm quan trọng này, chúng ta có thể cách mạng hóa việc học tập và phát triển kỹ năng cho cả một thế hệ trẻ em. UNICEF cam kết cùng với Chính phủ và các đối tác xây dựng hệ thống giáo dục tốt hơn để chào đón sự trở lại của trẻ em khi trường học mở cửa.

Nguồn: https://vnexpress.net/chuyen-gia-unicef-tre-em-can-duoc-dam-bao-quyen-hoc-tap-trong-covid-19-4269500.html

Minh Tú