HĐTN BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

Thay cho những giờ học trên lớp với giấy, bút màu là giờ học với “giáo cụ trực quan” là những bức tranh của các danh họa, những tác phẩm gốm đã tồn tại theo cả chiều dài lịch sử dân tộc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cách học này thật sự đã khiến học sinh hứng thú hơn bao giờ hết và mỹ thuật không còn là môn học bị ghét vì khô cứng nữa…

Hào hứng và say mê

Giờ học mỹ thuật của các em học sinh khối 8 trường THCS Ngoại Ngữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có chủ đề “Học tập trải nghiệm tham quan bảo tàng mỹ thuật Việt Nam”. Tại Bảo tàng, các con đi tìm hiểu nội dung liên quan đến chương trình Mỹ thuật lớp 8 ở phần Mỹ thuật thường thức: Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến 1954 (tìm hiểu về một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đến 1954). Nhưng thay vì những hình ảnh “chết” trong sách giáo khoa, các em được tận mắt ngắm những tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh; được nghe các cô cán bộ phòng trưng bày – giáo dục của Bảo tàng; giới thiệu về tiểu sử của các họa sĩ nổi tiếng này, chất liệu mà họ sử dụng, phân tích giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm.

Sau giờ học, học sinh đã hiểu hơn rất nhiều về mỹ thuật Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, có thể nắm được được những hiểu biết cơ bản về mỹ thuật Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đến 1954; Sơ lược về một số tác giả tiêu biểu của Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đến 1954; Sơ lược về một số tác phẩm hội họa, điêu khắc của Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đến 1954; Một số tác phẩm đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, nên cần có ý thức tôn trọng và có ý thức bảo vệ, gìn giữ nguồn di sản nghệ thuật quý giá của dân tộc. Bên cạnh đó học sinh có thể phân biệt được một số chất liệu sử dụng trong hội họa giai đoạn 1925 – 1945 như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa. Đồng thời hiểu về những đặc điểm của hội họa hiện đại Việt Nam giai đoạn 1925 – 1945 và sự ảnh hưởng và giao thoa giữa hội họa phương Tây với nghệ thuật dân gian truyền thông Việt Nam. Cuối cùng, học sinh được giao nhiệm vụ quan sát chú thích của các hiện vật trong Bảo tàng và hoàn thành việc trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập để thể hiện việc tiếp thu kiến thức trong toàn buổi trải nghiệm.


Hi vọng sau buổi học trải nghiệm đầy thú vị và bổ ích, các học sinh khối 8 đã có thể trau dồi thêm nhiều kiến thức về Mỹ thuật, Lịch sử và lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ, ý nghĩa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mong rằng, Trường THCS Ngoại ngữ sẽ tổ chức thành công thêm nhiều buổi học trải nghiệm dành cho các bạn học sinh trong thời gian sắp tới.