Virut Adeno

Thời tiết Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu – đông, cũng là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus.
CDC Hà Nội cho biết theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương (từ ngày 23/9 đến ngày 29/09) Hà Nội có thêm 920 ca mắc Adenovirus. Từ đầu năm 2022 đến ngày 29/09, Hà Nội đã ghi nhận 1.940 bệnh nhân dương tính với Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có ghi nhận các ca mắc cao như: Long Biên(175 ca), Đống Đa(154 ca), Hoàng Mai (152 ca) Hà Đông(87 ca), Nam Từ Liêm(152 ca), Hà Đông(64 ca), đồng thời đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên và Tây Hồ.

Bệnh do virus Adeno là gì? Là một bệnh virus cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt virus gây bệnh ở đường hô hấp bao gồm viêm phế quản nhỏ (bronchiolitis) và viêm phổi. Nhóm Adenovirus thường gây bệnh bằng cách tiếp xúc với các chất tiết từ người bị nhiễm hoặc do tiếp xúc với một đồ vật bị nhiễm bẩn.

Nhóm Adenovirus thường gây bệnh bằng cách tiếp xúc với các chất tiết từ người bị nhiễm hoặc do tiếp xúc với một đồ vật bị nhiễm bẩn. Lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 – 12 ngày. Trẻ nhiễm Adenovirus thường có biểu hiện: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,…
– Viêm họng cấp Adenovirus: Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi. Tình trạng này có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày.
– Viêm kết mạc mắt Adenovirus: hay còn gọi là đau mắt đỏ có thể 1 hay 2 bên, chảy dịch trong dễ bội nhiễm vi khuẩn nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời.
– Bệnh viêm đường hô hấp cấp do Adenovirus: Biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt cao đến 39 độ, ho. Bệnh diễn biến cấp tính khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, gặp ở cả trẻ em và người lớn.
– Bệnh viêm phổi Adenovirus: Biểu hiện bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương ở phổi, các tổn thương này có thể lan rộng để lại di chứng và nghiêm trọng hơn có thể tử vong.
– Bệnh dạ dày, ruột Adenovirus: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, buồn nôn.
Bệnh do Adenovirus đang được sự quan tâm của mọi người khi số lượng người nhiễm gia tăng, đặc biệt là trẻ em. Để chủ động phòng, chống dịch Adenovirus gây ra thì toàn thể CB, GV, NV và học sinh toàn trường cần:
– Chế độ ăn của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng, ăn chín uống sôi
– Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá, …
– Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý
– Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
– Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.
Bệnh do Adenovirus hiện chưa có vaccine phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất là kiểm soát lây lan và phòng tránh bệnh. Nếu có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Kính chúc Thầy cô giáo, các bạn học sinh cùng gia đình luôn mạnh khỏe và bình an.
Trân trọng!