Human of UMS – Người thầy nghệ thuật của chúng em

Huy chương vàng liên hoan đàn hát dân ca, Giải nhất Tài năng trẻ 2009, là nghệ sĩ lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới, tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật của Hà Nội… Đó là những gì mà những người thầy – nghệ sĩ của chúng em đã đạt được.
Và ở UMS, thầy cô dạy Âm nhạc và Mỹ thuật của chúng em đã giúp chúng em đến gần hơn với nghệ thuật chân chính, bằng chính sự nỗ lực khổ luyện của bản thân và sự nhiệt tình, tâm huyết với học trò.
 

Cô Nguyễn Hương Quỳnh – giáo viên Âm nhạc

Cô Quỳnh là một nghệ sĩ âm nhạc dân tộc, và là giáo viên dạy môn Âm nhạc ở trường em. Cô là người đã đề xuất Ban Giám hiệu cho học sinh được học thổi sáo. Khi học, chưa có bạn nào đã từng nhìn thấy hoặc thổi một cây sáo nên ai cũng hào hứng.

Cô Quỳnh của chúng em là một nghệ sĩ thực thụ đó!

Thế nhưng, sự thật lại chẳng như mơ! Sáo vô cùng khó thổi, nốt “đồ” phải thổi nhẹ, còn muốn lên cao thì phải hít thật sâu và thổi lên. Tiếng sáo của chúng em chẳng du dương tẹo nào mà nghe cứ như âm thanh được phát ra từ một chiếc còi bị hỏng. Và đó là lúc cô Quỳnh xuất hiện, giúp đỡ chúng em thổi từng nốt một.

Cô luôn nói: “Luyện tập là chìa khóa thành công”

Mỗi khi đứng lớp, cô luôn bảo với chúng em, “luyện tập là chìa khóa thành công”. Chính vì thế, chúng em ngày càng tiến bộ hơn. Qua sự chỉ dạy của cô, tiếng sáo từ tiếng còi nghe điếc tai dần trở thành những âm thanh nhưng có phần đứt quãng. Rồi, thoát ra khỏi chiếc kèn, chúng trở thành những tiếng sáo thực thụ, xinh đẹp và lộng lẫy. Em rất buồn với một số bạn không chịu tập, cứ chây ì mãi. Cô Quỳnh nghiêm khắc vô cùng với những “thành phần” này. Nếu không chịu luyện tập thì làm sao có thể vươn tới thành công? Thế là các bạn ấy đã được kèm cặp với bạn thổi giỏi để được giúp đỡ. Cô tin tưởng chúng em như thế đấy.

Cô Quỳnh tận tình hướng dẫn học sinh chơi nhạc cụ dân tộc

Em mến cô lắm, mến cô vì sự nghiêm khắc, sự tận tụy của cô dành cho chúng em. Cô đã tin tưởng chúng em nên bọn em sẽ làm thật tốt để không phụ lòng cô.

Với sự chỉ dạy của cô, giờ chúng em đã có thể thổi những bài sáo rất hay rồi, phải không nào?

Thầy Đỗ Thế Phong – giáo viên Mỹ thuật

Ở UMS, thầy Phong là thầy dạy Mỹ Thuật cho chúng em, và thầy cũng là một nghệ sĩ tranh sơn dầu có nhiều tác phẩm được ghi nhận. Trong quá khứ, em luôn nghĩ chỉ những bạn có tài năng hoặc vẽ đẹp thì môn Mỹ Thuật mới không khó khăn gì với những bạn ấy. Nhưng từ khi vào UMS, em đã thay đổi suy nghĩ đấy. Thầy rất tận tình giúp đỡ học sinh và thấy rất vui về việc đó.

Thầy Phong bên những tác phẩm nghệ thuật của thầy

Những bạn không có năng khiếu hay vẽ chưa đẹp thì đều được thầy giúp. Điều đó làm các bạn thấy môn Mỹ Thuật không còn khó khăn gì mà còn rất vui. Thầy rất vui tính và thân thiện nên gần với các học sinh. Trong giờ, thầy đôi khi đùa để làm tiết học thêm sôi nổi. Thầy còn đồng ý rời hạn nộp các bài vẽ để các bạn có thời gian ôn thi cho những môn khác.

Thầy dặn dò chúng em phải quan sát thật kỹ trước khi cầm bút vẽ

Câu nói nổi bật của thầy chính là: “Vẽ ít thôi, nhìn nhiều vào!” gây ấn tượng với nhiều học sinh vì từ trước đến giờ thì các bạn luôn có một ý nghĩ là nếu vẽ nhiều thì tranh sẽ đẹp lên nhiều, nhưng thầy lại khuyên chúng em là vẽ ít và nhìn nhiều. Em nghĩ thầy muốn nói như là dù mình có vẽ đẹp nhưng không hình dung được thứ mình muốn vẽ thì cũng không thể vẽ được. Vậy nên, em đã ra ngoài nhiều hơn để ngắm nhìn nhiều thứ.

Thầy Phong luôn tận tình giúp đỡ chúng em

Từ đó, mỗi khi em muốn vẽ một thứ mới mẻ thì em luôn có thể phác hoạ ra được chứ những điều đấy không chỉ đơn thuần là 1 ý tưởng nhỏ trong đầu nữa. Nhiều bạn cũng cảm thấy giờ học này mang phần giải trí hoặc mang những giây phút thư giãn sau những tiết học căng thẳng khác. Thầy Phong quả là một thầy giáo đặc biệt đúng không nào?

Vậy đó, thầy cô giáo ở UMS thật tài năng và tâm huyết, các thầy cô đã truyền tình yêu nghệ thuật cho chúng em, chúng em sẽ nỗ lực hết sức mình để không phụ lòng thầy cô!

Nguyễn Minh Ngọc, Phan Ngọc Khánh Chi – học sinh lớp 6A3